Xu hướng mới trong lựa chọn nhà ở

Đại dịch đã mang lại những thay đổi rõ rệt trong quan niệm của người dân về nhà ở cũng như lối sống thường ngày. Do đó, xu hướng lựa chọn nhà ở cũng đang có nhiều khác biệt so với thời gian trước…

Ảnh minh hoạ

Anh Trần Ngọc Khanh, một môi giới bất động sản cho biết, nếu như trước Covid, khách hàng thường có xu hướng chọn mua nhà ở gần trường học của con, hay ở gần chỗ làm việc… thì nay đã khác.

Gia tăng nhu cầu “sống xanh”

“Dịch bệnh, cộng với sự bí bách nơi đô thị, lại phải làm việc, học hành online nên nhiều gia đình đang có xu hướng chuyển đến sống tại các dự án hài hoà với thiên nhiên và được trang bị đầy đủ các tiện ích. Họ quan niệm, với môi trường sống như vậy, bên cạnh các lợi ích có thể đo lường được gồm: không gian tiện nghi, thuận tiện cho sinh hoạt, tiêu thụ ít năng lượng… còn mang lại lợi ích lâu dài về môi trường, sức khỏe cho cư dân. Qua đó, giúp cân bằng cuộc sống, giảm căng thẳng, giảm nguy cơ mắc bệnh…”, anh Khanh chia sẻ.

Còn theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, bên cạnh việc hướng đến ngôi nhà thứ hai gần biển hay tại nông thôn, nơi có không khí trong lành và thoáng đãng hơn của những người nhiều tiền, thì hầu hết người dân đô thị vẫn lựa chọn sống tại thành phố vì những tiện ích nhất định. Tuy nhiên, chúng ta đồng thời sẽ thay đổi lối sống tại đô thị của mình với những ưu tiên mới về lựa chọn nhà ở tại đây. Thị trường ghi nhận nhu cầu gia tăng cho dự án dân cư diện tích lớn đi kèm các tiện ích sinh hoạt và không gian thoáng đãng. Các dự án này cần có quy hoạch rõ ràng, chú trọng hơn tới môi trường sống, cung cấp đa dạng tiện ích giải trí, thể thao tích hợp không gian xanh.

Ngoài ra, sự phát triển của tầng lớp trung và thượng lưu cũng đồng thời cho thấy tiềm năng lớn đối với phân khúc Branded Residences (nhà ở thương hiệu). Trong tương lai, các dự án nhà ở có thương hiệu sẽ dần được giới thiệu tới thị trường Hà Nội. “Tâm lý mua nhà tại thị trường Việt Nam cũng tương tự nhiều thị trường khác trên thế giới: nhà đầu tư tìm kiếm sản phẩm có chất lượng xây dựng tốt, được quản lý vận hành chuyên nghiệp, và khả năng thương mại hóa tốt. Từ đó sản phẩm có thể mang lại lợi ích kinh tế hấp dẫn cho chủ sở hữu. Xu hướng này dự kiến sẽ trở nên rõ ràng hơn nữa trong vài năm tới và chúng tôi rất kỳ vọng về sự phát triển của phân khúc bất động sản có chất lượng này”, ông Matthew nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tú, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản, phân tích: “Sống xanh” đang là xu hướng phổ biến trên thế giới và cũng là nhu cầu tất yếu của mỗi người Việt Nam. Khái niệm “sống xanh” không chỉ có nghĩa là sống tại những nơi có không gian xanh của cây cỏ mà còn là sống trong một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, gần gũi với thiên nhiên, môi trường trong lành, thoáng đãng và cộng đồng dân cư văn minh… Với việc xây dựng và vận hành theo hướng giảm thiểu tác động đến môi trường, những dự án xanh, đồng bộ về tiện ích cung cấp môi trường sống và làm việc tốt cho người sử dụng, giúp cư dân tiết kiệm chi phí sử dụng năng lượng, chi phí di chuyển…, do đó, dễ dàng thu hút khách hàng, nhất là trong bối cảnh đại dịch hiện nay.

Thúc đẩy căn hộ nhỏ cho giới trẻ

Trong khi đó, nhìn ở góc độ giới trẻ, ông Xuân Phạm, Giám đốc Marketing tại Việt Nam, Công ty Tư vấn Bất động sản Toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL), cho rằng đại dịch đang làm gia tăng nhu cầu soho (small office, home office) đối với thế hệ Millennials (những người sinh từ 1980 đến 2000). Đây là thế hệ lớn lên cùng với công nghệ, truyền thông xã hội và nền kinh tế chia sẻ. Họ muốn sống trong không gian khác với cha mẹ và ông bà. Là những người năng động, thường xuyên làm việc tại nhà, muốn tất cả các hoạt động đều có thể diễn ra dưới một không gian, họ có thể biến bàn ăn thành bàn làm việc, ban công thành nơi tập yoga… Vì vậy, các căn soho rất phù hợp với nhu cầu của thế hệ này.

Hơn nữa, hiện nay nguồn cung soho thường tập trung ở những khu vực trung tâm hoặc gần trung tâm thành phố. Điều đó sẽ thêm phần thu hút những người trẻ muốn sống tại đô thị, hưởng những tiện nghi mà khu vực trung tâm mang lại như giao thông thuận tiện, an ninh đô thị, dễ dàng tiếp cận khách hàng, trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, quán bar và nhà hàng và vô vàn tiện ích khác trong bán kính gần.

“Thực tế cho thấy, đại dịch là một cú huých vô cùng lớn cho làn sóng làm việc tại nhà diễn ra trên diện rộng toàn cầu. Nhiều công ty khởi nghiệp đang có xu hướng chọn làm việc tại nhà lâu dài, cùng với tỷ lệ người làm nghề tự do và những người làm việc trong nền kinh tế hợp đồng ngắn hạn như IT, thiết kế, dịch thuật… cũng tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn lớn cũng sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch làm việc tại nhà lâu dài cho nhiều nhóm nhân viên không cần sự tương tác nhiều tại văn phòng. Các doanh nghiệp đã tiến hành đầu tư vào các nền tảng công nghệ cho nhân viên nhiều hơn bao giờ hết để tiếp tục sự tương tác và kết nối thông qua video và tin nhắn như Microsoft Teams, Skype for Business hoặc Zoom. Bên cạnh đó là các nền tảng lưu trữ, hỗ trợ nhân viên truy cập vào dữ liệu công ty từ xa mà vẫn đảm bảo không có các rủi ro bảo mật. Điều này có nghĩa là ngày càng nhiều người sử dụng nhà của mình làm văn phòng”, bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL nhận định.

Nhiều chuyên gia cũng dự đoán, chúng ta có thể sẽ phải tiếp tục làm việc tại nhà ít nhất cho đến khi dịch bệnh chấm dứt, thậm chí là một kịch bản xấu hơn với một đại dịch khác hoặc những rủi ro tương tự xuất hiện trong tương lai. Để chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch tiếp tục kinh doanh, làm việc tại nhà có thể là một xu hướng lâu dài khi tương lai của công việc không ngừng trở nên linh hoạt hơn mỗi ngày.

Chính vì thế soho hay căn hộ thông thường tại những khu có nhiều tiện ích đang là mô hình nhà ở hấp dẫn nhờ vào số lượng người sử dụng nhà làm văn phòng ngày càng tăng, đặc biệt là giới trẻ.

Phan Nam

VNECONOMY